Giống như hai thái cực âm, dương của nam châm, tính cách hai đứa mình có luôn có sự bổ trợ cho nhau. Em nóng tính, anh điềm đạm. Tính em “phổi bò” còn anh rất chín chắn.... Trong khi em nói nhiều như “vẹt” thì anh kiệm lời hết sức có thể. Có nghiên cứu nói rằng trung bình một ngày, con trai sử dụng khoảng 2.000 từ nhưng em chắc với anh con số đó còn xa xôi lắm.
Cuối tuần được nghỉ học, em với anh lang thang khắp các phố phường, ngõ ngách, rồi dừng chân ở dãy ghế đá ven hồ... Lúc nào em cũng có chuyện để nói. Anh chỉ nhìn và... cười. Anh bảo: “Vì có người nói nên phải có người nghe, nếu cả hai cùng tranh nhau nói thì ai lắng nghe và chia sẻ”. Em thấy cũng có phần đúng. Em chuyên về các môn xã hội, còn anh các môn tự nhiên luôn đạt đỉnh. Vì thế mà chẳng mấy khó khăn khi em hoàn thành nhanh chóng bài tập logic học và xác suất thống kê thầy giao về nhà. Chỉ cần alo anh tới là chỉ trong ít phút, mấy con số khô khan đã được giải quyết. Và còn những tiếng “xì xồ” tiếng Anh làm anh quay chong chóng đã được em giảng giải cho anh gãy gọn vấn đề. Nhờ đó mà điểm cuối kỳ của mình nâng lên đáng kể.
Và em là con gái nên bao giờ cảm xúc cũng dạt dào. Xem một phim, thương cho hoàn cảnh một nhân vật, em sụt sùi mãi không thôi. Anh thì cứng như gỗ đá, trầm ngâm theo dõi. Chắc em là người thiên về cảm tính, anh thiên về lý trí, đúng như những gì mà thầy giáo dạy Triết phân tích. “Nếu anh cũng khóc nhè như em thì tốn khăn giấy lắm, con trai phải cứng rắn chứ. Một người khóc cần bờ vai một người, nếu giờ hai người khóc thì làm gì còn vai ai nữa để mà gục xuống”. Anh vậy đấy, quy luật cộng - trừ luôn được anh vận dụng mọi lúc, mọi nơi.
* * *
Nhưng đôi khi... có những điều không thể dung hòa và “chiến tranh lạnh” âm ỉ mãi không thôi.
Anh đi chơi với nhóm bạn cùng lớp em, sao mà em cảm thấy anh vô cùng ít nói đến... khó hòa nhập. Nhóm bạn kể những chuyện trên trời duới biển, em biết là anh không hiểu và không thích, cho nên em cố gắng nói những chuyện dễ gần để anh có thể tham gia Nhưng anh làm em phát cáu vì thỉnh thoảng anh mới “chêm” vào một, hai câu, sau đó “chìm nghỉm”. Em giận dỗi thì anh lại tự ái “Anh không biết tám chuyện như con gái, em biết thế mà”. Đúng là như vậy, em biết, nhưng không thể ngụy biện như thế, ít ra anh cũng cố gắng bỏ bớt tính “khô khan” của dân tự nhiên một chút chứ?
Hay có những lúc tật nói nhiều của em khiến anh khó chịu. Nếu anh thẳng thắn góp ý với em, có thể em sẽ bực tức, nhưng em sẽ nghĩ lại và cố gắng sửa chữa, đằng này anh im lặng. Anh sợ “động vào tổ kiến lửa” làm em giận. Nhưng anh có biết chính vì thế mới làm em càng tủi hờn hơn không?
Anh ạ, quy luật bù trừ sẽ có tác dụng nếu như chúng ta biết hạn chế những sai sót của mình. Nếu ai cũng cho rằng đó là “gót chân Asin” bất di bất dịch thì vô tình càng làm rạn nứt tình cảm. Hãy làm cho quy luật Toán học luôn luôn 1+1=2, chứ không phải 1+1=0 anh nhé!