Hai người như thường ngày trao đổi sách tham khảo, giáo trình và bài kiểm tra.
“Lần tới, chúng ta lại cược sữa nha. Thời hạn là hai tuần!” Tôi nhận quyển sách giáo khoa.
“Được thôi, lại phải làm phiền bạn rồi.” Thẩm Giai Nghi cười ha ha.
“Còn lâu nhé.” Tôi lẩm bẩm, hừ mũi.
Tôi không hỏi cô ấy vì sao thắng rồi mà lại buộc tóc đuôi ngựa. Thẩm Giai Nghi cũng không hề nhắc đến.
Tôi chỉ biết rằng tôi rất vui, vô cùng vô cùng vui sướng.
Bây giờ nghĩ lại, vẫn cảm thấy mình ngày xưa thật đáng yêu.
Có chút kiềm chế, giả bộ không mặc áo mưa, có chút hiến dâng vì tình yêu mà tự cho là lãng mạn, nhưng như thế thì sao?
Nếu như tình yêu không thể khiến cho một người trở nên bình thường, một người như vậy cũng không thể xuất hiện, sức lôi cuốn của tình yêu đó cũng có phần nhỏ bé…Không phải chúng tôi ngày đêm cầu nguyện, tình yêu như vậy cũng đủ tư cách gọi là tình yêu.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn là gã nam tử hán bất kỳ lúc nào cũng sẵn sàng điên cuồng vì tình yêu như vậy đó.
Năm lớp 10 kết thúc, cô Châu Thục Chân – người từng đưa chúng tôi đến Phố Lý ngồi thiền lại có một tiết mục mới.
“Kha Cảnh Đằng, Thẩm Giai Nghi, các em giúp cô tìm vài bạn học, nghỉ hè thì đến Tín Nguyện Hành giúp đỡ mấy bạn nhỏ ở trại hè Phật học được không?” Cô Châu Thục Chân một hôm tại hành lang tình cờ gặp tôi và Thẩm Giai Nghi.
“Tín Nguyện Hành” là tên một đạo tràng Phật học nằm trên một ngọn núi nhỏ nào đó ở Đại Trúc, Chương Hóa, diện tích không nhỏ, vẫn còn đang xây dựng, hồi đó hãy còn thô sơ, chỉ là mấy tấm tôn lớn chắp chắp vá vá thành tinh xá, nhờ những tấm lòng lương thiện xây dựng đạo tràng.
Còn trại hè Phật học thiếu nhi, chính là một hình thức kết hợp giáo dục đạo đức và vận động của Tín Nguyện Hành với khu vực lân cận.
“Trại hè Phật học? Ha ha ha, em không làm đâu ạ.” Tôi cự tuyệt một cách sảng khoái.
“Được ạ, em và bạn Kha Cảnh Đằng sẽ giúp cô tìm người ạ.” Thẩm Giai Nghi lại trả lời dứt khoát.
“Này… sao lại lôi mình vào?” Tôi quay sang nhìn Thẩm Giai Nghi.
“Cậu cần ngồi thiền tử tế nữa đó.” Thẩm Giai Nghi đường đường chính chính trả lời.
Chút nữa thì quên mất, cô gái mà tôi thích là người đại diện của trường tu sư Chứng Nghiêm còn gì nữa.
“Vậy thì cô nhờ cả vào các em đó!” Cô Châu cười nhẹ nhõm, cầm mấy quyển sách đi.
Như vậy đó, cô gái lương thiện Thẩm Giai Nghi quyết định đem những ngày hè tươi đẹp của tuổi 16 hiến dâng cho việc niệm kinh và gõ mõ, và gần 100 đứa nhóc trời đánh ấy.
Còn tôi, không, không chỉ có mình tôi…A Hòa, Tạ Mạnh Học, Đỗ Tín Hiền, Hứa Triết Khôi, Liêu Anh Hoằng, v.v…, một phi đội đều tâm địa xấu xa, cũng vì Thẩm Giai Nghi mà tất cả đều nhiệt tình hăng hái đảm nhiệm nhiệm vụ dẫn đầu trại hè Phật học thiếu nhi. (Khốn kiếp! Làm gì có chút nào là lòng yêu thương từ bi đâu!)
Còn Hứa Bác Thuần – chiến hữu có một không hai của tôi cũng bị tôi lôi vào vụ này, chứng kiến một trận quyết chiến tình yêu chẳng theo trật tự nào cả.
Viết đến đoạn này vẫn thấy thật xấu hổ.
Tôi vẫn muốn viết về thứ tình yêu hiện đại thịnh hành, giả dụ tham gia trận đấu quyền Anh, dốc hết sức lực cùng tình địch là cao thủ quyền Anh so tài cao thấp, hay là tham gia trận bóng chày, cùng tình địch là cao thủ bóng chày làm vài trận quyết chiến. Thế nhưng không biết làm sao, cuối cùng tôi lại phải đi theo hình bóng người con gái tôi thích, theo Thẩm Giai Nghi tới trại hè Phật giáo, nơi tiếng mõ ngày đêm văng vẳng bên tai. Thật là KUSO (đáng ghét).
Bề ngoài là yêu thương trẻ nhỏ, thực tế là vì tranh đoạt tình yêu, lũ chúng tôi kéo nhau lên trên núi, khoác lên mình bộ đồng phục giáo viên của Tín Nguyện Hành. Mỗi người phụ trách khoảng 10 đứa bé, gồm một đội 5 bé nữ, một đội 5 bé nam, nội dung các hoạt động nhất loạt liên quan đến Phật học.
Còn tôi và Thẩm Giai Nghi mỗi người phụ trách các học sinh của đội một, là đội có thành viên nhỏ tuổi nhất, trung bình là học sinh lớp hai trở xuống. Trẻ con ở mỗi độ tuổi đều có những trò nghịch ngợm khác nhau, không phải tuổi càng nhỏ thì càng dễ dỗ dành dọa nạt, lũ nhóc chỉ cần hơi cứng rắn một tẹo, hay do nhớ nhà mà gào khóc thảm thiết, thường thường đều làm tôi muốn túm lấy ném qua vai vật xuống đất để làm gương.
“Kha Cảnh Đằng, không được ức hiếp trẻ con như thế.” Thẩm Giai Nghi liếc nhìn tôi.
“Mình đâu có, mình chỉ đang dạy cho bọn nó đức tính dũng cảm thôi.” Tôi thường xuyên đối đáp như vậy.
Mỗi sáng sớm vào lúc 4 giờ 30 phút, chúng tôi phải vệ sinh cá nhân xong xuôi, khoác lên mình bộ quần áo màu xanh nước biển đậm, đưa lũ nhóc tới đại điện niệm kinh, chờ ăn bữa chay buổi sáng.
Tất cả mọi người tay đều cầm trong tay quyển kinh đã được chú âm phù hiệu đầy đủ, hai bên đại điện chia ra hàng học sinh nam và học sinh nữ ai đấy đều mệt mỏi buồn ngủ, niệm đi niệm lại “Phật thuyết A Di Đà kinh”, “Vãng sinh chú”, … Có nhóc còn ngủ đứng, tôi cứ một lúc lại phải để ý trông chừng, nhón chân đến gõ đầu thằng nhóc, tránh làm thằng bé nhỡ đang cơn mê giật mình tỉnh giấc sẽ chới với, mất trọng tâm mà ngã nhào.
Do cùng kèm đội trẻ con lớp một, lúc niệm kinh, tôi đứng đối diện với Thẩm Giai Nghi, cách nhau có ba mét, tay cầm quyển sách ra rả tụng kinh. Phải đến một nửa thời gian tôi dành ra để suy nghĩ liệu cả đời này tôi có thể theo đuổi được Thẩm Giai Nghi không, thành ra tôi chỉ ngoác mồm giả vờ đọc kinh, còn mắt thì lại ngẩn ngơ nhìn Thẩm Giai Nghi cao hơn tôi 3 phân.
Thẩm Giai Nghi dù có nghiêm túc, chín chắn đến đâu, cũng không thể nào đứng cả buổi sáng đọc kinh mà không mệt mỏi. Cô ấy tay cầm quyển kinh, hai mí mắt lúc trĩu xuống, lúc thì chắc chắn là đã chợp một giấc, người thì lảo đảo như muốn đổ trông thật là đáng yêu.
“?” Tôi đứng gần lặng lẽ quan sát.
Đứng bên cạnh có A Hòa, tên đội trưởng tinh thông kinh văn cũng thường xuyên nhìn trộm Thẩm Giai Nghi, lại có cả Tạ Mạnh Học, Hứa Triết Khôi,…cũng đều phân tâm, lén nhìn Thẩm Giai Nghi đang ngủ gật, ai cũng theo đuổi những suy nghĩ của riêng mình. Chỉ có duy nhất tên bạn vô hại Hứa Bác Thuần của tôi là chuyên tâm vào việc nhắm nghiền hai mắt ngủ thôi.
“Ôi, mình tại sao lại đến nơi này niệm kinh nhỉ?” Tôi cười khổ sở, bụng rên từng tiếng òng ọc vì đói.
Niệm kinh xong, là đến phần lạy rạp xuống đất, dùng mũi và trán hôn đệm hương bồ mười lần. Cuối cùng bắt đầu “Bão hương”, bữa sáng thì chưa ăn, đường huyết đang hạ xuống, lúc nào cũng phải vác cái thân hình mềm yếu chỉ chực ngã chạy tới chạy lui trên đại điện. Lúc này đây chúng tôi thì chả nói làm gì, có vài đứa trẻ vốn được cưng chiều, phải chạy tới chạy lui thế là khóc thét lên.
Đến khi hương trên ban thờ đã cháy hết, toàn bộ các “nghi thức” trước bữa chay buổi sáng mới tuyên bố kết thúc.
Trước khi ăn, tất cả mọi người uể oải ngồi trên chiếc trường kỷ, nghe đạo trưởng trụ trì rót từng lời vàng ý ngọc, chầm chậm dẫn giải từng câu chuyện nhỏ về đời sống Phật giáo. Từ lúc bắt đầu, ai ai cũng đã đói rạc người ra đến nỗi chả còn cảm giác them ăn, chỉ còn cái bụng rỗng không lâng lâng.
“Kha Cảnh Đằng, tao cảm thấy kiểu tình yêu này chả bổ dưỡng chút nào, lại còn làm liên lụy đến một đống người.” Hứa Bác Thuần nhìn bát cơm chay chả có hương vị gì cả, thở dài.